Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

Cuộc sống mới trong những căn nhà container

Các kiến trúc sư đã lắp ghép các thùng container lại với nhau, tạo cửa sổ, cửa ra vào và lắp các thiết bị cần thiết, mỗi căn hộ đều có ban công riêng. Tòa nhà có hệ thống trung tâm cung cấp điện, nước, điều hòa, internet tốc độ cao...

Không phải những ngôi nhà tạm bợ như người ta vẫn thường hình dung về nhà lắp ghép container, những căn hộ hiện đại cho sinh viên, những khu văn phòng lịch sự, tiện nghi, những căn biệt thự rộng rãi… là sự hiện thực hóa bất ngờ tuyệt vời nhất mà người ta có thể hình dung ở những ngôi nhà lắp ghép từ những chiếc container cồng kềnh. Container housing đang dần hiện hữu và được dự báo sẽ trở thành xu hướng xây dựng mang tính đột phá bởi đặc tính nhanh chóng trong thi công, tiết kiệm chi phí, an toàn và rất linh động, và đặc biệt phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội cũng như môi trường tại Việt Nam.

Container housing trên thế giới

Ý tưởng xây dựng những ngôi nhà, văn phòng, khu kí túc xá cho sinh viên… từ những chiếc container cồng kềnh lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1987 tại Mỹ. Tuy nhiên, phải từ năm 2000, khi Công ty Urban Space Management (Quản lý không gian đô thị) hòan thiện dự án có tên Container City I - một studio và khu phức hợp văn phòng, triển lãm nghệ thuật tại khu vực Trinity Bouy Wharf ở Luân Đôn, Anh, người ta mới bắt đầu biết đến hình thức xây dựng vừa nhanh gọn, tiện lợi, lại rất tiết kiệm chi phí này.



Mặc dù vậy, việc công ty xây dựng TempoHousing hòan thành dự án “làng sinh viên container” lớn nhất thế giới với 1000 căn hộ dành cho sinh viên có tên gọi Keetwonen vào năm 2006 tại thành phố Amsterdam (Hà Lan) mới thực sự tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực xây dựng container housing.
Keetwonen đã trở thành hình mẫu lý tưởng cho khái niệm “căn hộ nhà lắp ghép container” với những tòa nhà nhiều tầng chạy dài, các căn hộ yên tĩnh, thoáng mát và đầy đủ tiện nghi. Các kiến trúc sư đã lắp ghép các thùng container lại với nhau, tạo cửa sổ, cửa ra vào và lắp các thiết bị cần thiết, mỗi căn hộ đều có ban công riêng. Tòa nhà có hệ thống trung tâm cung cấp điện, nước, điều hòa, internet tốc độ cao... Lớp mái trên cùng của các căn hộ là lớp cách nhiệt có chức năng chống nóng, đồng thời thoát nước mưa cho cả khu nhà.

Độ an toàn của container được kiểm nghiệm dựa theo độ an toàn của các container tiêu chuẩn: Thông thường khi container tiêu chuẩn được vận chuyển phải qua kiểm định và được cấp chứng nhận về mức độ an toàn, bảo quản hàng hóa, vận chuyển đặc biệt trong thời tiết khăc nghiệt của đại dương thông qua các tổ chức quốc tế như BV (Bureau Veritas), GL (Germanischer Lloyd), ABS (American Bureau of Shipping), LR (Lloyd’s Register of Shipping)… Do đó, những ngôi nhà xây dựng bằng container rất an toàn, kiên cố, thời gian sử dụng dài, thi công nhanh chóng, tiết kiệm chi phí.

Theo công ty TempoHousing, các căn hộ thuộc khu đô thị Keetwonen còn làm được những điều mà các kí túc xá sinh viên truyền thống không làm được. Đó là sinh viên được sở hữu nhà tắm riêng, bếp, phòng ngủ, phòng học cùng hệ thống điều hòa không khí tự động. Mỗi căn hộ đều có một bể chứa nước nóng 50 lít và một hệ thống loa báo có khách đến thăm. Để biến nơi đây thành một khu đô thị thực sự, các nhà thiết kế còn xây dựng những bãi đỗ xe, siêu thị, quán cà phê và một khu thể thao.

Container housing cũng đã được áp dụng tại nhiều nước phát triển như dự án All Terrain Cabin của công ty Bark Design Collective (Canada), dự án Cove Park Artist’s Retreat (Scotland), hay dự án Port- a- Bach (New Zealand)... Điều này cho thấy, ngành công nghiệp xây dựng thế giới đã tìm ra một giải pháp “xanh” giúp bảo vệ môi trường và giải quyết bài toán nhà ở thu nhập thấp.

Một giải pháp đột phá cho xây dựng tại Việt Nam

Mặc dù khá phổ biến trên thế giới, nhưng khái niệm “container housing” vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam. Hiện tại, Công ty cổ phần Vinashin TGC Container (VTC) là công ty tiên phong trong lĩnh vự xây dựng mang đầy tính đột phá này.



Thành lập năm 2005, VTC sở hữu một nhà máy hiện đại được trang bị các dây chuyền sản xuất và công nghệ bậc nhất, có thiết kế năng lực lên tới 60,000 TEU một năm, hệ thống quản lý và giám sát chất lượng nghiêm ngặt, đội ngũ lao động có tay nghề. Nắm bắt được xu hướng của thế giới, với những lợi thế của mình, năm 2008 VTC đã đầu tư xây dựng một dây chuyền sản xuất mới hoàn toàn phục vụ “Container Housing” dựa trên nguyên tắc kết cấu của container vận chuyển dùng để xây dựng các nhà, tòa nhà, văn phòng, khách sạn. Tuy mới đi vào sản xuất nhưng VTC luôn nhận được đánh giá cao từ các đối tác và đã có nhiều đơn đặt hàng sản xuất từ Úc, các nước Châu Âu, Châu Mỹ.
“Các container tại VTC được thiết kế dựa trên nguyên tắc kết cấu của container vận chuyển, có sức chịu đựng lâu dài trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của đại dương, nên có độ bền, độ an toàn rất cao. Do đặc tính cơ động của phương thức xây dựng, container housing giúp tiết kiệm về mặt thời gian cũng như chi phí. Thông thương, theo thống kê của thế giới, cùng 1 diện tích xây dựng, loại hình xây dựng này chỉ bằng ½ thời gian xây dựng thông thường nhưng lại tiết kiệm được ½ chi phí so với xây dựng thông thường. Do đó, chúng tôi tin tưởng rằng, phương thức xây dựng này sẽ sớm trở nên phổ biến tại Việt Nam.” – Bà Nguyễn Hồng Anh – Tổng giám đốc Công ty VTC cho biết.

Hơn nữa, việc sử dụng container vân chuyển để xây dựng giúp tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, góp phần bảo vệ môi trường – vốn đang là vấn đề nóng hổi hiện nay tại Việt Nam. “Theo thống kê thế giới, chúng ta cần khoảng 9.000kWh điện để nấu chảy khoảng 5.000kg thép để xây nhà theo cách thức truyền thống, trong khi chỉ cần 400kWh điện chúng ta có thể biến nó thành một ngôi nhà. Như vậy năng lượng tiết kiệm được đối với 1 container có thể giúp bạn thắp sáng 1 bóng điện 70W trong 15 năm. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, phương thức xây dựng mà chúng tôi đang theo đuổi sẽ giúp Việt Nam xanh hơn, sạch hơn” – Bà Nguyễn Hồng Anh – Tổng Giám Đốc Công ty chia sẻ.

Nguồn: Dantri

0 nhận xét:

Đăng nhận xét